Góp phần bảo đảm thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật

23/10/2024 14:29 View Count: 32

Giám sát là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (HĐND), Thường trực, các ban và đại biểu HĐND.

Thông qua hoạt động giám sát nhằm đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm thực thi có hiệu quả chính sách, pháp luật và các nghị quyết của HĐND các cấp đề ra. Phát huy vai trò, chức năng của mình, Ban pháp chế HĐND tỉnh tổ chức nhiều cuộc giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, góp phần bảo đảm thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật; xây dựng các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực tư pháp trong sạch, vững mạnh và bảo vệ công lý cho người dân.

 

Đại biểu tham dự Hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp”.


Trong đó chú trọng giám sát thông qua các hình thức như: Thẩm tra, xem xét báo cáo công tác của các cơ quan Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự, báo cáo về công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Xem xét báo cáo của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp tại các kỳ họp thường lệ của HĐND. Tổ chức các Đoàn giám sát để trực tiếp giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh. Tham mưu Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình việc thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh tổ chức 4 Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thường lệ đối với 12 sở, ngành. Trong đó có 3 cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp gồm: Công an tỉnh, TAND tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Nội dung chất vấn liên quan đến việc chấp hành, áp dụng pháp luật và kiểm sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp, phiên chất vấn được tổ chức truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi...
Thông qua giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp giúp ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước của cán bộ, đảng viên được nâng lên. Giúp cho HĐND tỉnh có căn cứ đánh giá hiệu quả của việc chấp hành pháp luật, phát hiện những bất cập trong thực hiện pháp luật. Trên cơ sở kết quả giám sát, Ban pháp chế HĐND tỉnh đề xuất với HĐND tỉnh, kiến nghị với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để xem xét và điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố Tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng Dân sự và một số luật có liên quan. Kiến nghị, đề nghị liên ngành tư pháp Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật liên ngành; kiến nghị với các cấp, các ngành nhất là đối với cơ quan Tư pháp trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp; tổng kết rút kinh nghiệm việc phân cấp về thẩm quyền giải quyết các vụ án hình sự, dân sự cho các cơ quan tư pháp cấp huyện; tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ và thường xuyên đánh giá kết quả việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp...Qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đối với các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp vẫn  tồn tại những hạn chế nhất định như: Việc tổ chức đoàn giám sát chưa được tiến hành thường xuyên; đặc biệt là giám sát các chuyên đề về lĩnh vực hình sự và dân sự, chưa mạnh dạn kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan tới công tác tư pháp; chưa có sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động giám sát dẫn đến việc giám sát đôi lúc còn chưa sâu, chất lượng, hiệu quả giám sát chưa cao; chưa thường xuyên đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình...
Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của cơ quan dân cử trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp, Ban Pháp chế HĐND tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh và phối hợp với Thường trực, Ban Pháp chế HĐND cấp huyện tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp”. Hội thảo nhận được 22 tham luận của các đại biểu, trao đổi, thảo luận, đánh giá khách quan và khoa học về chất lượng, hiệu quả giám sát từng cơ quan, đơn vị; chỉ ra những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động giám sát; cơ chế chính sách, điều kiện cho hoạt động giám sát; việc thực thi, chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp…
Hầu hết các ý kiến đều thống nhất quan điểm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp cần tập trung vào các giải pháp chính: Thực hiện đúng nguyên tắc nội dung và các hình thức giám sát; cách thức tổ chức và hoạt động của đoàn giám sát phải phù hợp, không ảnh hưởng tới các công việc khác của các cơ quan được giám sát. Tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND. Nâng cao chất lượng lựa chọn nhóm vấn đề, nội dung chất vấn liên quan đến các cơ quan tư pháp, phân công đại biểu nghiên cứu, thảo luận, lựa chọn vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, “có tính thời sự” thuộc trách nhiệm của các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp trước khi chất vấn. Theo dõi giám sát việc thực hiện các kết luận, cam kết lời hứa sau phiên chất vấn, giám sát đến cùng việc thực hiện “lời hứa” sau chất vấn ... Qua đó làm cơ sở khoa học đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND 2 cấp đối với các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp.

Thùy Dương