Hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

15/07/2022 21:21 View Count: 1663

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện hành gồm: Nghị quyết số 147/2018/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh về Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 17-7-2020 của HĐND tỉnh về việc Quy định về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 17-7-2020 của HĐND tỉnh về Quy định hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 96/2013/NQ-HĐND ngày 12-7-2013 của HĐND tỉnh về Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh.
Ngay sau khi các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ban hành, Sở Nông nghiệp &PTNT, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết thông qua nhiều hình thức để người dân tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách. Qua triển khai thực hiện các chính sách, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất; hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.

Về lĩnh vực trồng trọt, số lượng cơ sở tích tụ ruộng đất tăng lên đáng kể, trên địa bàn tỉnh có 97 cơ sở tích tụ ruộng đất với quy mô từ 5ha trở lên, tổng diện tích tích tụ là 913,4 ha, góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Toàn tỉnh có 1.325 vùng lúa năng suất, chất lượng cao, quy mô mỗi vùng từ 3 ha trở lên; 71 vùng rau màu tập trung với quy mô 3 ha trở lên; 24 vùng cây ăn quả tập trung với quy mô 2 ha trở lên. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 98%, khâu thu hoạch trên 80% và khâu gieo trồng gần 10%. Qua đó góp phần nâng cao giá trị trồng trọt lên 104,7 triệu đồng/ha.


Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp tại xã Nhân Thắng (Gia Bình).

Trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, phương thức chăn nuôi chuyển biến từ nhỏ lẻ, tận dụng sang hình thức chăn nuôi trang trại tập trung và hộ gia đình chăn nuôi chuyên nghiệp. Hiện tỉnh có hơn 400 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, các giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường được đưa vào sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh vừa tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại Sở Nông nghiệp &PTNT, khảo sát tại  một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Ban ghi nhận, đánh giá cao kết quả ngành Nông nghiệp &PTNT đạt được thời gian qua; chỉ rõ những hạn chế trong triển khai thực hiện như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa được thường xuyên; một số cán bộ ở địa phương còn chưa nắm chắc các nội dung của chính sách, do đó việc triển khai và thực hiện chính sách tới các hộ nông dân còn chưa đầy đủ và rộng rãi; một số định mức hỗ trợ thấp; hồ sơ, thủ tục hỗ trợ còn phức tạp… Đồng thời, chất vấn làm rõ nguyên nhân của những hạn chế trên là do sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực mang lại lợi nhuận thấp, rủi ro cao do phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, dịch bệnh, thị trường đầu ra không ổn định nên không hấp dẫn các nhà đầu tư, nông dân mở rộng sản xuất; công tác tập huấn, tuyên truyền chính sách hỗ trợ ở một số địa phương chưa thường xuyên, sâu rộng nên nhiều hộ nông dân và các cơ sở sản xuất chưa tiếp cận và được thụ hưởng chính sách; kinh phí để thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được duyệt chưa đáp ứng nhu cầu và chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương dẫn tới có những năm kinh phí còn phải cấp bù sang năm sau; quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp luôn có sự điều chỉnh giảm dẫn tới ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bị hạn chế…
Qua giám sát, Ban đề nghị ngành Nông nghiệp &PTNT thời gian tới tiếp tục tập huấn, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đến người dân; rà soát và đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung chưa phù hợp trong các Nghị quyết phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân và định hướng phát triển của tỉnh; tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp sinh thái.

Phương Mai